CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, ngành CNHT của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Các Cty, tập đoàn lớn của nước ngoài đã thiết lập nhiều nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ họ kỳ vọng vào việc cắt giảm chi phí vận chuyển và rủi ro, vì thế nó sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà cung cấp phụ tùng trong nước phát triển sản xuất.
Việc phát triển CNHT được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, thực trạng ngành CNHT Việt Nam vẫn còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
|
Đẩy mạnh phát triển ngành CNHT là cách để Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: N.Đăng
|
Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao. Trong thời gian qua, Nhà nước cũng đã có định hướng ưu đãi cho các DN hỗ trợ, tuy nhiên những ưu đãi này chưa rõ ràng và đang dưới hình thức cào bằng.
Trong giai đoạn đầu của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài với bối cảnh Việt Nam chưa gia nhập WTO, AFTA chính sách bảo hộ mậu dịch còn lớn, khi đó các DN nước ngoài với mục tiêu nhắm tới là mở rộng thị trường tại Việt Nam nên chỉ đầu tư vào lắp ráp sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước với số vốn không lớn và thời gian cũng không dài.
Tuy nhiên, sau khi Việt Nam đã gia nhập WTO, AFTA. những DN FDI còn trụ lại hoặc đầu tư mới, họ thực sự mong muốn tìm cơ hội đầu tư lâu dài và hợp tác với Việt Nam, nhưng lại gặp phải những trở lực rất lớn đó là ngành CNHT của Việt Nam còn yếu dẫn đến mặc dù các DN FDI này đầu tư vào Việt Nam nhưng vẫn phải nhập khẩu vật tư linh kiện từ nước ngoài. Đồng thời, phải kéo theo những nhà lắp ráp, sản xuất bán thành phẩm cho họ từ nước khác.
Thực tế, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành trọng điểm như ôtô là 20-30%, da giày, dệt may là trên 10%.... Điều này dẫn đến hệ quả là giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của DN kém… Nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn DN trong nước chưa thể đáp ứng được chất lượng cho các đơn hàng xuất khẩu. Số DN Việt Nam làm CNHT rất ít. Các DN cung cấp linh kiện, bán sản phẩm chủ yếu là các DN Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các DN Đài Loan, cuối cùng mới là các DN Việt Nam.
Trước thực trạng này, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, TP Hà Nội cùng với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đã từng bước triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của CNHT cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN CNHT.
Thực hiện định hướng phát triển ngành CNHT của Ðảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và của TP Hà Nội, Khu CNHT Nam Hà Nội (Hanssip) ra đời trong điều kiện chưa từng có tiền lệ đầu tư phát triển một khu công nghiệp chuyên sâu ngành CNHT và khó khăn mọi bề, kể cả từ tư duy, quy hoạch - thiết kế, đến định hướng đầu tư xây dựng bảo đảm hạ tầng chuẩn mực theo nhu cầu của các DN nước ngoài và Việt Nam khi tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm thuộc ngành CNHT.
Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế, Hanssip phải thực hiện phân kỳ đầu tư hợp lý, sử dụng đất và gắn với phát triển khu đô thị dịch vụ - thương mại. Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội (Hansiba) chia sẻ, vượt qua không ít trở ngại, đến nay Hanssip giai đoạn 1 đã hoàn thành cơ bản để thu hút các DN trong nước và ngoài nước vào đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT.
Khi đi vào hoạt động theo quy hoạch phát triển, toàn bộ 640 ha của Hanssip sẽ hội tụ khoảng 1.500 đến 2.000 DN lớn nhỏ, trực tiếp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tương ứng tạo ra việc làm cho khoảng 150 đến 200 nghìn lao động trực tiếp. KCN Hanssip được phát triển đồng bộ với không gian CNHT và công nghiệp khác (chế tạo, chế biến) với đô thị dịch vụ phụ trợ thương mại logistics để người lao động, chuyên gia làm việc, các DN sản xuất tại đây có không gian giao thương tạo chuỗi sản xuất ngay tại KCN…